2461710466181.jpg

15 tháng 03, 2024

Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (15/3/2024)

Chính sách mới có hiệu lực 15/3/2024 gồm các quy định về quản lý thuốc methadone và ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Hướng dẫn quản lý thuốc methadone

Tại Thông tư 26/2023/TT-BYT, Bộ Y tế hướng dẫn quản lý thuốc methadone như sau:

-Về kê đơn thuốc methadone: phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc gây nghiện và các quy định sau:

    Trường hợp người bệnh trong giai đoạn điều trị duy trì (trừ trường hợp trong giai đoạn điều trị duy trì nhưng phải nằm điều trị nội trú mà không thể đến cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc để uống hằng ngày): thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone không vượt quá 30 ngày và phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc khi kê đơn;

    Trường hợp người bệnh trong giai đoạn điều trị duy trì nhưng phải nằm điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú mà không thể đến cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc để uống hằng ngày: thời gian mỗi lần chỉ định thuốc methadone không vượt quá 07 ngày và ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc.

- Khi cấp phát thuốc methadone cho người bệnh, nhân viên cấp phát thuốc có trách nhiệm:

    Cấp phát đúng liều cho người bệnh theo chỉ định ghi trong đơn thuốc methadone;

    Quan sát người bệnh trong khi uống thuốc đế bảo đảm người bệnh uống hết thuốc methadone trước khi ra khỏi cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc;

    Ghi chép việc sử dụng thuốc methadone của người bệnh vào sổ theo dõi phát thuốc hằng ngày và Phiếu theo dõi điều trị bằng thuốc methadone.

- Khi nhận thuốc methadone tại cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc, người bệnh có trách nhiệm:

    Uống hết thuốc methadone trước sự có mặt của nhân viên y tế, trừ trường hợp được cấp thuốc methadone mang về sử dụng;

    Ký tên hoặc xác nhận đã uống thuốc vào Phiếu theo dõi điều trị bằng thuốc methadone.

Chính sách mới có hiệu lực 15/3/2024

Chính sách mới có hiệu lực 15/3/2024 (Ảnh minh họa).

Phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan

Thông tư 06/2024/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan theo một trong 09 hạng như sau:

- Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 81/2019/TT-BTC.

- Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.

- Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.

- Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.

- Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao.

- Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.

- Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt.

- Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9.

- Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 81/2019/TT-BTC.

Nguồn Luật Việt Nam.