4011636982306.jpg

15 tháng 11, 2021

Một số điều mà NLĐ cần biết khi HĐLĐ hết hạn

Hợp đồng lao động là cơ sở để giải quyết các quyền và nghĩa vụ của 02 bên khi có tranh chấp xảy ra. Do đó khi hết hạn HĐLĐ người lao động cần làm gì? Dưới đây Luật Thịnh Trí sẽ nêu ra một số điều lưu ý mà NLĐ cần biết khi hết hạn hợp đồng lao đông:

Theo Điều 20 Bộ luật lao động 2019 quy định các loại hợp đồng sau:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, việc hợp đồng hết hạn chỉ xảy ra khi 02 bên kí hợp đồng lao động xác định thời hạn. Do đó, khi hợp đồng này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì sẽ được thực hiện theo những quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 như sau:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết

Như vậy, nếu người lao động vẫn làm việc sau khi hợp đồng lao động hết hạn, các bên bắt buộc phải ký hợp đồng mới trong vòng 30 ngày.

1/Sau 30 ngày không kí hợp đồng mới sẽ giải quyết như thế nào?

Bộ Luật lao động đã đặt ra giới hạn 30 ngày để người lao động và người sử dụng lao động kí kết hợp đồng lao động mới sau khi hợp đồng cũ hết hạn. Nếu sau 30 ngày vẫn chưa kí hợp đồng mới thì quyền lợi của các bên sẽ được giải quyết theo điểm b khoản 2 Điều 20 Bộ luật này như sau:

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Do đó, nếu để người lao động tiếp tục làm mà không ký hợp đồng mới thì sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng mà các bên đã giao kết hết hạn, hợp đồng này sẽ tự động trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Đây là một trong những cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khi người sử dụng lao động cố tình không ký hợp đồng lao động mới thì người lao động sẽ đương nhiên hưởng các quyền lợi của hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

2/Quyền lợi của người lao động trong thời gian chờ ký hợp đồng mới

Cũng tại điểm a khoản 2 Điều 20 BLLĐ quy định “…trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết”.

Như vậy, khi chưa ký hợp đồng mới mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên vẫn được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký. Đồng nghĩa với việc, dù hợp đồng lao động đã hết hạn nhưng người lao động vẫn được hưởng những quyền lợi được ghi nhận trong hợp đồng cũ. Trong đó, có thể kể đến các vấn đề sau:

  • Được trả đầy đủ tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian làm việc.
  • Được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết theo quy định.
  • Được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Cùng nhiều quyền lợi khác theo ghi nhận trong hợp đồng cũ.