8761650505238.jpg

21 tháng 04, 2022

Có bắt buộc phải hủy di chúc cũ khi lập di chúc mới không?

Lập di chúc là một trong những cách để chuyển tài sản của mình sau khi chết cho người khác. Vậy nếu một người khi đã lập di chúc mới thì có phải huỷ di chúc cũ đã lập trước đây không?

Việc lập di chúc hoàn toàn dựa vào ý chí của người để lại di sản thừa kế. Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế cũng như phân định cụ thể các phần di sản cho từng người thừa kế...

Người lập di chúc cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 630 Bộ luật Dân sự để đảm bảo di chúc có hợp pháp, có hiệu lực gồm người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập.

Ngoài ra, người lập di chúc cũng không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nội dung và hình thức không trái luật và nội dung di chúc còn không được trái đạo đức xã hội...

Điều 640 Bộ luật Dân sự, sau khi lập di chúc, người để lại di sản hoàn toàn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc đã lập trước đó. Mặc khác tại khoản 3 Điều 640 Bộ luật Dân sự khẳng định:

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.

Do đó, chỉ có quy định về việc lập di chúc mới thì di chúc cũ bị huỷ bỏ mà không có quy định yêu cầu người lập di chúc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc đã lập.

Song song đó, khi một người có nhiều di chúc thì khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Theo các quy định trên, có thể khẳng định, khi lập di chúc mới thì chỉ có di chúc mới có hiệu lực, còn các di chúc cũ được lập trước đó thì sẽ không còn hiệu lực. Ngoài ra người lập di chúc cũng không buộc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ các di chúc đã lập trước đó.